Nguyen Huu Duc

May 3, 2018 | Author: Anonymous | Category: Documents
Report this link


Description

Những ý kiến ICC được rút ra Những ý kiến ICC được rút ra Nguyễn Hữu Đức ISBP 745 (Tập quán Ngân hàng Tiêu chuẩn Quốc tế về Kiểm tra Chứng từ theo L/C) được Ủy ban Ngân hàng ICC (ICC) đã thông qua tại Lisbon (Bồ Ðào Nha) vào ngày 17/4/2013, dự kiến sẽ chính thức phát hành và có hiệu lực áp dụng trong tháng 6/2013. Hầu hết nội dung của ISBP 745 phù hợp với các ý kiến chính thức mà ICC đã từng trả lời các vướng mắc liên quan đến UCP 600. Tuy nhiên, ấn bản mới này có một số nội dung hướng dẫn liên quan đến UCP 600 Ðiều 19 (Chứng từ vận tải đa phương thức), Ðiều 20 (Vận đơn đường biển), Ðiều 28 (Chứng từ bảo hiểm) và Ðiều 32 (Thanh toán hoặc giao hàng nhiều lần theo định kỳ) hoàn toàn ngược lại với một số ý kiến trả lời trước đây của ICC, cụ thể là, các ý kiến R751 (TA735rev), R766 (TA709rev) và R313. Chắc chắn khi ISBP 745 chính thức có hiệu lực áp dụng, ICC cũng sẽ thông báo rút lại các ý kiến đã nêu. Nhằm giúp các bạn đọc là những người thực hành tín dụng chứng từ (LC) cập nhật thông tin để tránh những sai sót không đáng có khi kiểm tra chứng từ xuất trình theo LC, người viết bài này xin được trình bày chi tiết các vấn đề. CHỨNG TỪ VẬN TẢI ÐA PHƯƠNG THỨC HAY VẬN ÐƠN ÐƯỜNG BIỂN? ÐIỀU 19 HAY ÐIỀU 20 UCP 600? Vấn đề này liên quan đến sự khác nhau giữa Ý kiến R751 (TA735rev) và các đoạn D1(c) và E1(a) ISBP 745. Trong cuốn “ICC Banking Commission Opinions 2009 - 2011, ấn bản số 732”, tại Ý kiến R751 (TA735rev) ICC đã trả lời các câu hỏi liên quan đến tình huống sau: - LC phát hành thể hiện thông tin: + 44A: South Korea + 44E: Any port in Korea + 44F: Peru Callao Port + 44B: Lima - Chứng từ yêu cầu xuất trình: Clean on board ocean BL - Chứng từ vận tải xuất trình thể hiện: + Place of Receipt: (để trống) + Port of Loading: Ulsan, Korea + Port of Discharge: Peru Callao Port + Final Destination: Lima - Câu hỏi: 1) Căn cứ theo yêu cầu của LC, thì chứng từ vận tải xuất trình là chứng từ vận tải đa phương thức hay vận đơn đường biển? 2) Ðiều 19 hay Ðiều 20 UCP 600 được sử dụng để kiểm tra chứng từ? 3) Trường hợp LC yêu cầu là chứng từ vận tải đa phương thức, thì có thể chấp nhận vận đơn đường biển được xuất trình thể hiện các thông tin nêu trên? ICC phân tích và trả lời như sau: Vì rằng, lộ trình của việc giao hàng được thể hiện ở các trường 44A, E, F và B, lẽ ra LC nên yêu cầu xuất trình một chứng từ vận tải đa phương thức (được thiết kế để sử dụng khi có ít nhất hai phương thức vận tải tham gia), chứ không nên yêu cầu một vận đơn đường biển (giao hàng từ cảng đến cảng). Mặc dù, người thụ hưởng xuất trình một chứng từ có tiêu đề là “Vận đơn Ðường biển” (Ocean Bill of Lading) nhưng nó thể hiện việc giao hàng từ cảng Ulsan (South Korea) đến Lima, do vậy, chứng từ vận tải phải được kiểm tra theo Ðiều 20. Từ đó, ICC trả lời 3 câu hỏi trên như sau: 1) Một chứng từ, dù được gọi tên như thế nào (however named), đều được chấp nhận nếu thỏa mãn các điều kiện của LC. 2) Áp dụng Ðiều 20. 3) Chấp nhận. Có thể hiểu từ ý kiến trả lời của ICC rằng, nếu lộ trình giao hàng thể hiện ở các trường 44A, E, F hoặc B, thì LC nên yêu cầu xuất trình chứng từ vận tải đa phương thức, chứ không phải vận đơn đường biển. Một chứng từ, dù được gọi tên như thế nào (however named), sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng được các yêu cầu của LC. Theo đó, nếu LC yêu cầu xuất trình chứng từ vận tải đa phương thức, thì có thể chấp nhận một vận đơn đường biển thể hiện thông tin giao hàng phù hợp với quy định của LC, và Ðiều 20 UCP 600 sẽ được áp dụng để kiểm tra chứng từ. Tuy nhiên, hướng dẫn của ISBP 745 tại các đoạn D1 (c) và E1 (a) cho thấy điều ngược lại. Ðoạn D1 (c) ISBP 745 hướng dẫn về việc áp dụng Ðiều 19 UCP 600 như sau: “Khi LC yêu cầu xuất trình một chứng từ vận tải khác với chứng từ vận tải đa phương thức, và thể hiện lộ trình hàng hóa nêu trong LC sẽ sử dụng nhiều hơn một phương thức vận tải, ví dụ, khi nơi nhận hàng hoặc nơi đến cuối cùng trong nội địa được thể hiện, hoặc trường cảng bốc hàng hoặc dỡ hàng được ghi nhưng thực tế là một nơi trong nội địa chứ không phải là một cảng, thì Ðiều 19 UCP 600 được sử dụng để kiểm tra chứng từ đó.” (When a credit requires the presentation of a transport document other than a multimodal or combined transport document, and it is clear from the routing of the goods stated in the credit that more than one mode of transport is to be utilized, for example, when an inland place of receipt or final destination are indicated, or the port of loading or discharge field is completed but with a place which is in fact an inland place and not a port, UCP 600 Article 19 is to be applied in the examination of that document). Như vậy có thể kết luận, theo đoạn D1 (c) trên đây, khi LC yêu cầu xuất trình một vận đơn đường biển nhưng thể hiện lộ trình vận tải đa phương thức - thì chứng từ xuất trình phải được kiểm tra theo Ðiều 19 UCP 600 (Chứng từ vận tải đa phương thức, chứ không phải theo Ðiều 20 UCP 200 (Vận đơn đường biển) như ICC đã trả lời tại Ý kiến R751. Phù hợp với logic nêu trên, đoạn E1 (a) ISBP 745 quy định về trường hợp áp dụng Ðiều 20 UCP 600 (Vận đơn đường biển) như sau: Trường hợp LC yêu cầu xuất trình một chứng từ vận tải, dù được gọi tên như thế nào, thể hiện chỉ giao hàng từ cảng đến cảng, tức là, LC không có dẫn chiếu nào liên quan đến nơi nhận hàng, nhận để xếp hoặc nơi đến cuối cùng, thì Ðiều 20 UCP 600 được áp dụng để kiểm tra chứng từ đó (A requirement in a credit for presentation of a transport document, however named, only covering port-to-port shipment, i.e., a credit contains no reference to a place of receipt, taking in charge or place of final destination means that UCP 600 Article 20 is to be applied in the examination of that document). Việc ISBP 745 đưa ra hướng dẫn khác với Ý kiến R751 thực tế xuất phát từ văn bản hướng dẫn ngày 22/4/2010 của ICC về đề xuất liên quan đến các yêu cầu đối với một ghi chú bốc hàng lên tàu (ICC Document No.470/1128rev final 22 April 2010: Recommendations of the Banking Commission in respect of the requirements for an On board Notation). Liên quan đến vấn đề này, người viết cũng đã có bài “Tuyên bố thực hành của ICC về ghi chú xếp hàng lên tàu” đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 7 (4/2010). Văn bản này có nêu nội dung như sau: Các chứng từ vận tải phải được kiểm tra theo điều (của UCP 600) áp dụng đối với các điều kiện nêu trong LC. Những điều kiện này bao gồm: loại chứng từ sẽ được xuất trình và chi tiết liên quan đến việc giao hàng hóa, ví dụ, những chi tiết thể hiện ở các trường 44A, E, F hoặc B của MT 700, 710 hoặc 720. Các chứng từ vận tải không được kiểm tra theo điều áp dụng đối với loại chứng từ đã được xuất trình (Transport documents must be examined under the article that is applicable to the conditions stated in the credit. These conditions include: the type of document that is to be presented and the details given with respect to the shipment of the goods e.g., those shown in fields 44A, E, F or B of the MT700, 710 or 720. Transport documents are not examined under the article applicable to the type of document that has been presented).  Ðể kết luận vấn đề này, người viết muốn lưu ý bạn đọc rằng, lộ trình hàng hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định áp dụng điều nào của UCP 600 để kiểm tra chứng từ vận tải. Nếu LC yêu cầu lộ trình đa phương thức, tức là, thể hiện ít nhất 3 trường bất kỳ trong các trường 44A, E, F hoặc B, thì LC nên yêu cầu xuất trình chứng từ vận tải đa phương thức và Ðiều 19 UCP 600 (chứ không phải Ðiều 20) sẽ áp dụng để kiểm tra. Ðiều 19 UCP 600 cũng được sử dụng để kiểm tra chứng từ ngay cả khi LC yêu cầu xuất trình vận đơn đường biển nhưng yêu cầu lộ trình giao hàng đa phương thức, tức là, thể hiện ít nhất 3 trường bất kỳ trong các trường 44A, E, F hoặc B. ICC sẽ rút lại Ý kiến R751 khi ISBP 745 chính thức có hiệu lực áp dụng. NGÀY CỦA CHỨNG TỪ BẢO HIỂM Vấn đề này liên quan đến sự khác nhau giữa Ý kiến R766 (TA709rev) và đoạn K10(c) ISBP 745. Ðiều 28 (e) UCP 600 quy định: Ngày của chứng từ bảo hiểm không được muộn hơn ngày giao hàng, trừ phi chứng từ bảo hiểm có ghi rằng bảo hiểm có hiệu lực kể từ ngày không muộn hơn ngày giao hàng (The date of the insurance document must be no later than the date of shipment, unless it appears from the insurance document that the cover is effective from a date not later than the date of shipment). Tại Ý kiến R766, ICC đã trả lời câu hỏi liệu có thể chấp nhận một chứng từ bảo hiểm đề ngày phát hành muộn hơn ngày giao hàng nhưng có ghi rõ rằng bảo hiểm “từ kho đến kho” (from warehouse to warehouse) và không thể hiện ngày bảo hiểm có hiệu lực hay không. Sau khi phân tích, ICC đã kết luận như sau: “Một chứng từ bảo hiểm đề ngày muộn hơn ngày giao hàng, nhưng thể hiện rõ ràng trên chứng từ, bằng cách ghi chú thêm, “bảo hiểm được thực hiện trên cơ sở từ kho đến kho” hoặc bằng từ ngữ có hiệu lực tương tự, thì có thể chấp nhận” (An insurance document that is dated later than the date of shipment, but clearly indicates on the document, by addition or note, “coverage effected on a warehouse to warehouse basis” or words of similar effect, is acceptable). Nói theo cách khác, theo Ý kiến R766, một chứng từ bảo hiểm thể hiện bảo hiểm được thực hiện trên cơ sở từ kho đến kho là có thể chấp nhận ngay cả khi nó ghi ngày muộn hơn giao hàng. Trong quá trình sửa đổi ISBP, ICC đã tranh thủ ý kiến của ngành bảo hiểm về vấn đề này và được trả lời rằng, việc đưa thêm điều khoản quá cảnh (transit clause) không làm lùi ngày bắt đầu bảo hiểm, ví dụ, nếu hàng hóa rời kho vào ngày 1/9 và được giao lên tàu vào ngày 3/9, chứng từ bảo hiểm bảo hiểm điều kiện A phát hành vào ngày 4/9 sẽ không có giá trị bảo hiểm lùi đến ngày 1/9 trừ khi các quy định khác cho thấy ý định như thế. Vì lý do đó, đoạn K10(c) ISBP 745 nay hướng dẫn lại như sau: “Một chứng từ bảo hiểm thể hiện bảo hiểm đã được thực hiện từ “kho đến kho” hoặc bằng từ ngữ có hiệu lực tương tự, và được đề ngày sau ngày giao hàng, không thể hiện rằng bảo hiểm đó có hiệu lực từ ngày không muộn hơn ngày giao hàng (An insurance document that indicates coverage has been effected from “warehouse-to-warehouse” or words of similar effect, and is dated after the date of shipment, does not indicate that coverage was effective from a date not later than the date of shipment). Như vậy, có thể kết luận rằng, theo ISBP 745, bảo hiểm đề ngày muộn hơn ngày giao hàng là không được chấp nhận ngay cả khi nó có ghi rằng bảo hiểm được thực hiện trên cơ sở từ kho đến kho. Dĩ nhiên, cũng phải hiểu rằng, nếu bảo hiểm có ghi ngày bảo hiểm có hiệu lực và ngày đó không muộn hơn ngày giao hàng thì bảo hiểm đó được chấp nhận. ICC cũng sẽ sớm rút lại Ý kiến R766 (TA709rev) khi ISBP 745 chính thức có hiệu lực. THANH TOÁN HOẶC GIAO HÀNG NHIỀU LẦN THEO ÐỊNH KỲ Vấn đề này liên quan đến ý kiến R313 và đoạn C15 ISBP 745. Ðiều 32 UCP 600 quy định: “Nếu thanh toán hoặc giao hàng bằng nhiều lần theo các định kỳ và bất kỳ lần thanh toán hoặc giao hàng nào không được thực hiện trong thời gian cho phép của định kỳ đó, thì LC không có giá trị thanh toán cho lần đó và bất kỳ lần thanh toán nào tiếp theo sau đó” (If a drawing or shipment by instalments within given periods is stipulated in the credit and any instalment is not drawn or shipped within the period allowed for that instalment, the credit ceases to be available for that and any subsequent instalment). Thật khó diễn giải cho đúng cụm từ “thanh toán hoặc giao hàng bằng nhiều lần theo các định kỳ” (a drawing or shipment by instalments within given periods). Ý kiến R313 trả lời các tình huống giao hàng được LC quy định như sau: - 10,000kgs    latest on 31 Oct. 1997 (chậm nhất vào ngày 31/10/1997) - 10,000kgs    latest on 30 Nov. 1997 (chậm nhất vào ngày 30/11/1997) - 10,000kgs    latest on 31 Dec. 1997 (chậm nhất vào ngày 31/12/1997) Câu hỏi đặt ra là, cách ghi một loạt các ngày giao hàng chậm nhất như trên có được xem là “giao hàng theo các định kỳ” hay không. ICC trả lời tại Ý kiến R313 xác nhận đúng là như thế. Tuy nhiên, nay ISBP 745 đoạn C15(b) giải thích hoàn toàn khác. Theo đó, khi LC thể hiện lịch trình thanh toán hoặc giao hàng bằng cách chỉ thể hiện một số ngày chậm nhất, chứ không phải là các định kỳ (như được tham chiếu ở đoạn C15(a)(i)… thì đây không phải là lịch trình định kỳ đúng với ý định của UCP 600, và điều 32 sẽ không áp dụng… (When a credit indicates a drawing or shipment schedule by only indicating a number of latest dates, and not given periods (as referred to in paragraph C15 (a) (i)) […] this is not an instalment schedule as envisaged by UCP 600, and article 32 will not apply…). Như vậy, bây giờ có thể hiểu rằng, giao hàng theo các định kỳ là một trình tự ngày tháng hoặc các mốc thời gian xác định ngày bắt đầu và kết thúc cho từng định kỳ. Ví dụ, LC yêu cầu giao hàng (phân Urea) như sau: - 10.000 MT in May 2013 - 10.000 MT in June 2013 Thời gian giao hàng quy định như trên được xem là hai định kỳ bắt đầu từ ngày ngày 1/5 và 1/6 và kết thúc tương ứng vào ngày 31/5 và 30/6. Trong trường hợp này, Ðiều 32 UCP 600 được áp dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu thời hạn giao hàng được quy định bằng một loạt các ngày muộn nhất, tức là, chỉ quy định ngày kết thúc, thì không được xem là giao hàng theo định kỳ. Trong trường hợp này, Ðiều 32 không áp dụng. KẾT LUẬN Hầu hết nội dung của ISBP 745 phù hợp với các ý kiến chính thức mà ICC đã từng trả lời các vướng mắc liên quan việc kiểm tra chứng từ xuất trình theo UCP 600. Tuy nhiên, ISBP 745 vẫn có một số nội dung hướng dẫn, như đã trình bày trên đây, ngược lại với một số ý kiến trả lời chính thức của ICC và có giá trị thay thế các ý kiến đó. Chắc chắn ICC sẽ có thông thông báo rút các ý kiến trái với ISBP 745 khi ISBP 745 chính thức được phát hành và có hiệu lực áp dụng dự kiến trong tháng 6/2013. Người viết hi vọng những lưu ý này có thể giúp những người thực hành kiểm tra chứng từ cập nhật thông tin để tránh những sai sót không đáng có khi kiểm tra chứng từ xuất trình theo LC. Tài liệu tham khảo: - Kim Sindberg, Overturned ICC Opinions https://www.facebook.com/pages/Kim.../226292130786403 - ISBP Final Draft Text (publication No. 745) - ICC Document No.470/1128rev final (22 April 2010): Recommendations of the Banking Commission in respect of the requirements for an On board Notation - Official ICC Opinions 1998-1999 - Official ICC Opinions 2009-2011 - Nguyễn Hữu Đức, Tuyên bố thực hành của ICC về ghi chú xếp hàng lên tàu”,TCNH số 7 (4/2010). � Vietcombank Đà Nẵng


Comments

Copyright © 2024 UPDOCS Inc.